“Cậu Xuân mừng hai cháu 10 tờ 100 USD,Đọcloasốtiềnkháchmừngcướphim se cậu Tú mừng hai cháu 10 triệu, dì Lan mừng 10 triệu…”. Tất cả số tiền mừng cưới được một cụ trong họ đọc to trên loa truyền thanh, mặc bên trong khách khứa vẫn còn đang ăn cỗ.
Trước khi nói ra quan điểm của mình về việc ăn cỗ cưới ở các vùng miền, tôi xin nói trước, tôi là một người đàn ông. Cũng đã trải qua hơn 10 năm làm bố, làm rể, làm chồng. Nói thế để mọi người khỏi hiểu lầm tôi là một gã đàn ông chưa vợ hoặc có cái nhìn còn non nớt về việc này.
Bố mẹ tôi vốn sinh ra ở Bắc Giang. Sau ngày đất nước giải phóng, vì hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ tôi quyết định rời quê hương, lên Thủ đô lập nghiệp. Vì thế, từ bé đến khi lấy vợ, sinh con, tôi và các em trong gia đình cũng ít khi trở về quê hương.
Cách đây 5 năm, nhà tôi có đám cưới con trai của một bác trong họ. Vì bố mẹ tôi tuổi đã cao nên hai vợ chồng tôi được cử thay mặt gia đình về quê ăn cỗ cưới.
Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn ảnh: Internet |
Sáng hôm đó, vợ chồng tôi bỏ phong bì 500 nghìn đồng đến mừng và tất nhiên hăm hở vào ăn cỗ. Vậy mà, chưa đầy 5 phút vào bên trong hội hôn thì tiếng nhạc xập xình của đám cưới bỗng vụt tắt. Thay vào đó, một bác cao tuổi trong họ đọc danh sách số tiền mừng của những người đến tham dự.
Ông bắt đầu: "Cậu Xuân mừng hai cháu 10 tờ 100 USD, cậu Tú mừng hai cháu 10 triệu, dì Lan mừng 10 triệu, cô Ngọc bạn thân bố mừng 1 triệu đồng, cô Minh hàng xóm 200 nghìn đồng, chú Tuấn 100 nghìn đồng". Sau đó đến lượt vợ chồng tôi cũng được nhắc tên trong danh sách.
Phải nói lúc đó vợ chồng tôi vô cùng kinh ngạc, lạ lẫm. Tôi quay sang hỏi các cô, các dì đứng cạnh tại sao lại đọc danh sách như vậy, ai cũng đến đây mừng cưới, đọc như vậy làm gì? Một vài người chỉ cười.
Một vài người khác thì bảo, cái đó để cho họ biết ai đến mừng rồi, ai chưa, mừng bao nhiêu và nếu tiền mừng càng to, càng nhiều thì họ hàng nhà trai lại càng "nở mày nở mặt" với xóm làng.
Sau màn đọc tiền mừng, vợ chồng tôi được xếp ngồi mâm với các chú, các thím trong làng. Theo phép lịch sự, vợ tôi cũng gắp từng miếng thịt bỏ vào bát cho mọi người trong mâm. Ấy vậy mà mọi người nhìn vợ tôi như người ngoài hành tinh.
Tôi bấm bụng, chắc ở đây mọi người không thích gắp như vậy nên tôi và vợ vẫn thản nhiên ngồi ăn, mặc cho những người xung quanh không ai động đũa vào các món thịt.
Nào ngờ, chưa đầy 15 phút, một người trong mâm cỗ lấy đâu ra một bọc túi nilon rồi họ cùng nhau chia phần số thức ăn trên mâm. Tất nhiên vợ chồng tôi cũng có một bọc để mang về.
Lúc đó vợ tôi ngượng ngùng lắm. Cô ấy kiên quyết từ chối số thức ăn mà một thím đã đưa cho. Tôi cũng bảo: “Chúng cháu đã ăn rồi nên không phải chia phần đâu ạ”. Sau đó, vợ chồng tôi trở về Hà Nội mà trong đầu vẫn không thôi nghĩ về những tục lệ ấy.
Đến nay, mỗi khi nhớ về những lệ cưới xin đó, tôi lại cảm thấy khó nghĩ. Cũng từ lần đó, hai vợ chồng tôi thường gửi tiền mừng chứ ít khi về quê ăn cỗ nữa.
Hoàng Trung (Hà Nội)