Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị sơ kết triển khai Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ. |
Gửi, nhận hơn 41.200 văn bản điện tử trong gần 1 tháng
Chiều ngày 29/3, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức hội nghị sơ kết triển khai Quyết định 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (Quyết định 28).
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, chỉ trong thời gian ngắn tích cực triển khai, với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của VPCP, Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ cùng các tập đoàn VNPT, Viettel, ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút chính thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.
“Kết quả ban đầu này được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương, nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần tác động mạnh mẽ, thay đổi tư duy, tư tưởng của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ”, Bộ trưởng cho biết.
Trong báo cáo sơ kết tình hình triển khai Quyết định 28, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính thuộc VPCP cho biết, để hoàn thiện căn cứ pháp lý, ngày 24/1/2019, Bộ Nội vụ đã ban hành 2 Thông tư quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư và tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào, yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử.
Tính đến ngày 28/3/2019, đã có 7/23 bộ, ngành và 19/63 địa phương ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử như VPCP, Bộ TT&TT, UBND các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nam, Hà Nội… Từ ngày 21/3/2019, VPCP đã phát hành tất cả văn bản có chữ ký số đối với văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và VPCP trên Trục liên thông văn bản quốc gia tới cá cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Triển khai xây dựng, chuyển đổi sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến thế giới để phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử, VPCP đã phối hợp với VNPT nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phân tán ngang hàng (P2P) để xây dựng và đưa vào hoạt động Trục liên thông văn bản quốc gia; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thử nghiệm kết nối, liên thông trước khi triển khai chính thức trên toàn quốc.
Tiếp đó, ngày 19/1, VPCP phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cùng VNPT tiến hành chuyển đổi hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ mới. Có 95/95 cơ quan (gồm 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố và Văn phòng Trung ương Đảng) hoàn thành kết nối phần mềm Quản lý văn bản và Diều hành (QLVB&ĐH) với Trục liên thông văn bản quốc gia qua Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; hoàn thành cập nhật mã định danh cơ quan (cấp 1).
" alt=""/>Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Chỉ có một con đường là ký số thay vì ký giấy văn bản”