Mô hình camera an ninh thôn 4, xã Thiệu Trung góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo đảm ANTT, giữ gìn vệ sinh môi trường.Được lựa chọn xây dựng thôn thông minh, thôn 4, xã Thiệu Trung đã ứng dụng các nền tảng số để thực hiện thông tin, tuyên truyền, như: Xây dựng hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, tạo lập các nhóm zalo và ứng dụng các nền tảng số để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, như: zalo CNS - Làng Diên Hào, Chi bộ 4, facebook Đất và người Diên Hào; ứng dụng ThanhhoaS...
Bên cạnh đó, thôn 4 đã chọn 2 mô hình điểm để xây dựng thôn thông minh là cài đặt mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, chiếu sáng nhằm quản lý điện sáng. Với mô hình này, đã giúp cho việc quản lý, điều chỉnh bật tắt hệ thống điện tự động để tiết kiệm nguồn điện cho Nhân dân. Bên cạnh việc xây dựng mô hình quản lý điện sáng, thôn 4 còn lắp đặt 16 mắt camera giám sát an ninh, góp phần trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), giám sát công tác vệ sinh môi trường.
Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn 4 Nguyễn Xuân Giao, cho biết: Hiện nay, thôn có 95% hộ dân sử dụng internet. Tại nhà văn hóa có wifi tốc độ cao để phục vụ người dân truy cập, khai thác thông tin. 70% dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử; 75% dân số có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu. Từ ngày xây dựng thôn thông minh, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của thôn đều được truyền tải qua mạng xã hội zalo nhanh chóng, dễ dàng. Nhiều người dân còn sử dụng các trang mạng xã hội để livestream quảng cáo, bán sản phẩm nông nghiệp.
Xã Thiệu Trung được UBND huyện Thiệu Hóa chọn làm điểm xây dựng xã thông minh, đảng ủy, UBND xã đã bám sát các chỉ đạo của cấp trên để ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể và Nhân dân địa phương để xây dựng các tiêu chí xã thông minh. UBND xã đã chọn 2 mô hình điểm để các thôn hoàn thành đó là điện sáng công cộng và mô hình camera an ninh.
Đến nay, toàn bộ các trục đường, ngõ xóm trong xã đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng có hệ thống tắt mở tự động, toàn xã lắp đặt 117 camera an ninh, 57,3% dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử, 77,3% người trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu, 100% nhà ở hộ gia đình, trụ sở cơ quan, tổ chức, các cơ sở dân sinh, kinh tế - xã hội trong xã được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số... 5/6 thôn đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng thôn thông minh, trong đó 1 thôn đã được công nhận là thôn thông minh.
Ông Đỗ Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, cho biết: “Xác định việc chuyển đổi số sẽ giúp người dân được bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ để nâng cao chất lượng cuộc sống; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Từ đó, đẩy mạnh việc phát triển 2 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay”.
Xây dựng thôn, xã thông minh là một trong những mục tiêu trong quá trình chuyển đổi số toàn diện của huyện Thiệu Hóa. Để nâng cao nhận thức của mỗi người dân về chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, các phòng, ban, ngành, đơn vị trong huyện đang thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền về dịch vụ công, việc đăng ký tài khoản và sử dụng các giao dịch trực tuyến qua điện thoại thông minh.
Hiện nay, hầu hết các thôn được chọn xây dựng thôn thông minh trên địa bàn huyện đều đã thành lập trang thông tin điện tử trên nền tảng mạng xã hội zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện.
Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thiệu Hóa, cho biết: “Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã và đang tích cực triển khai xây dựng thôn thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số, với tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 99%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên 99%.
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện từng bước ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, mở rộng thị trường; nhiều phương thức kinh doanh, dịch vụ, ngành nghề mới xuất hiện góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của Nhân dân...”.
TheoMinh Khanh (Báo Thanh Hóa)
">