Tuần trước, chính phủ Mỹ đã tạo sóng dư luận khi truy nã 5 quan chức quân đội Trung Quốc về tội do thám mạng và đánh cắp bí mật thương mại của nhiều doanh nghiệp Mỹ. Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh càng leo thang sau khi Bắc Kinh phản ứng dữ dội trước cáo trạng này. Tuy nhiên, theo tạp chí uy tín Time của Anh, nếu những cáo buộc từ phía Mỹ là chính xác thì rõ ràng, Trung Quốc đang để mắt tới những doanh nghiệp cốt yếu nhất, tinh hoa nhất của Mỹ. Các nạn nhân bị tấn công đều là doanh nghiệp đại gia như U.S.Steel, hãng sản xuất thép lớn nhất và lâu đời nhất nước này; Alcoa, hãng sản xuất nhôm aluminum lớn thứ ba thế giới, Westinghouse Electrical Company, một trong những hãng phát triển vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới, SolarWorld AG, một cái tên đi đầu về công nghệ mặt trời hay United Steelworkers, một trong những liên đoàn lao động uy tín nhất nước Mỹ.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, như thường lệ, tuyên bố những cáo buộc này là vô căn cứ, do Mỹ dựng lên để gây căng thẳng giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, Bộ Tư Pháp Mỹ tỏ ra rất kiên quyết.
Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là chính xác thì Mỹ cáo buộc Trung Quốc lấy cắp những thông tin gì? Tầm quan trọng của những thông tin đó đến đâu?
1. Công nghệ năng lượng mặt trời
Theo cáo trạng của Mỹ, các hacker đã đánh cắp nhiều sáng chế công nghệ liên quan đến tấm năng lượng mặt trời và quy trình sản xuất từ SolarWorld AG, cho phép các nhà máy sản xuất tấm mặt trời Trung Quốc có thể hớt tay trên những kết quả nghiên cứu mà các nhà khoa học Mỹ và Đức phải mất nhiều năm mới gặt được thành quả. Bộ Tư pháp Mỹ tin rằng hacker Web Xinyu đã đánh cắp hàng ngàn email và file cá nhân từ tài khoản của 3 quan chức cấp cao của SolarWorld trong năm 2012. Không chỉ giúp các công ty Trung Quốc tiếp cận được với công nghệ Mỹ, những thông tin này còn cho phép doanh nghiệp Trung Quốc đối phó với các nhà làm luật của Mỹ. "Họ sẽ có lợi thế cạnh tranh rất không công bằng từ những dữ liệu nhạy cảm lấy cắp được", ông Ben Santarris, Giám đốc Chiến lược của SolarWorld AG phân tích trên Time.
2. Công nghệ nhà máy điện hạt nhân
Bộ Tư pháp Mỹ tin rằng hacker Trung Quốc cũng đánh cắp công nghệ hạt nhân của Westinghouse Electric Company, một công ty điện lực có trụ sở tại Pennsylvania đang thương thảo để chuyển giao công nghệ cho một doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Hacker Sun Kailing bị cáo buộc đã truy cập vào hệ thống máy tính của Westinghouse, đánh cắp thông số kỹ thuật và thiết kế của đường dẫn, trụ đỡ, cho phép các đối thủ Trung Quốc xây dựng nên những nhà máy điện hạt nhân đẳng cấp thế giới mà không cần phải tự mình nghiên cứu, mày mò công nghệ.
3. Thông tin nội bộ về Chiến lược kinh doanh
Đợt tấn công nhằm vào Westinghouse bắt đầu từ năm 2010, kéo dài đến hết năm 2011 và thậm chí còn "mò" được tận đến Tổng Giám đốc của công ty. Một số email bị đánh cắp có chứa thông tin về chiến lược kinh doanh của công ty điện hạt nhân này đối với đối tác Trung Quốc. Theo các chuyên gia, đây là một chiến lược hành động mà hacker Trung Quốc từng áp dụng nhiều lần trước đó, nhằm tạo ra lợi thế cho phía doanh nghiệp Trung Quốc trong các cuộc đàm phán. "Nếu như bạn có khả năng đi vòng quanh bàn, biết được đối thủ của mình có quân bài nào, đặt cược ra sao thì hiển nhiên, bạn sẽ có cơ hội để đặt cược cao hơn họ. Đấy chính xác là những gì mà hacker Trung Quốc đã làm trong thế giới ảo", ông George Kurtz, Tổng Giám đốc CrowdStrike, một hãng bảo mật tư nhân chuyên theo dõi hoạt động của các hacker "có sự chống lưng của chính phủ Trung Quốc" bình luận.
4. Những dữ liệu cho phép Trung Quốc qua mặt các nhà làm luật của Mỹ
Các doanh nghiệp Mỹ, nhất là trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp nặng, luôn phải đối mặt với tình trạng hàng nhập khẩu Trung Quốc tràn ngập thị trường. Rất nhiều hàng trong số đó được nhập khẩu lách luật với mức giá rẻ hơn trung bình thị trường. U.S.Steel, hãng thép lớn nhất nước Mỹ, đã nhiều lần đệ đơn kiện thương mại để kêu gọi áp dụng hàng rào thuế quan và bảo vệ thị trường cho các doanh nghiệp làm ăn chính đáng.
Đầu năm 2010, ngay khi U.S.Steel tham gia vào 2 cuộc tranh luận thương mại với Trung Quốc về tình trạng nhập khẩu thép thiếu công bằng nói trên, Sun Kailing đã gửi đi một email phishing có nhúng mã độc bên trong. Rất nhiều nhân viên U.S.Steel sau khi nhận email đã mở ra và bị mã độc xâm nhập trái phép vào máy tính mà không hề hay biết. Thậm chí, theo Bộ Tư pháp Mỹ, Kailing còn vào được cả máy tính của Tổng giám đốc U.S.Steel khi ấy là ông John Surma. Nhờ đó, hacker này đã nắm trong tay các kế hoạch pháp ký của phía Mỹ.
Tương tự, United Steelworkers, một nghiệp đoàn lớn của Mỹ cũng bị hack hệ thống. Rất nhiều email đã bị đánh cắp, từ tài khoản nhân viên cho tới Chủ tịch, với cả các thông tin nhạy cảm về chiến lược hay thảo luận nội bộ xung quanh việc nên ngăn cản hàng nhập khẩu Trung Quốc trái phép kiểu gì.
Tuy nhiên, tất cả những vụ việc nói trên chỉ mới là phần nổi của tảng băng, các chuyên gia khuyến cáo. Hacker của Nga, Trung Quốc và Iran được cho là đã nhiều lần tấn công vào nền kinh tế Mỹ, vơ vét các bằng sở hữu trí tuệ đáng giá và do thám hợp đồng của doanh nghiệp Mỹ. "Các doanh nghiệp trong danh sách Fortune 1000 đều là mục tiêu của chúng, dưới dạng thức này hoặc dạng thức khác", ông Kurtz cho biết. "Nói cách khác, chỉ có 2 nhóm công ty mà thôi: Một nhóm biết mình đã bị tấn công và nhóm còn lại chưa phát hiện ra thực tế đó mà thôi".
Y Lam
">