“Việc học tiếng Trung đã mở ra cho em nhiều cơ hội mà trước đó em chưa từng nghĩ tới”, Nguyệt nói.
Quỳnh bắt đầu theo đuổi tiếng Trung từ năm lớp 6. Khi ấy, mẹ định hướng cho em nên học thêm một ngôn ngữ khác bên cạnh tiếng Anh. Những buổi học đầu tiên, Quỳnh được cô giáo khen có năng khiếu về ngôn ngữ. Càng học, Quỳnh càng có sự tiến bộ rõ rệt.
Thời điểm chuẩn bị vào cấp 3, Quỳnh xin mẹ cho chuyển hướng sang thi lớp chuyên tiếng Trung của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Năm 2021, Quỳnh thi đỗ vào trường và bắt đầu theo đuổi ngôn ngữ này bài bản.
Quỳnh cho biết quá trình học ngoại nữ của em có nhiều thuận lợi. Ngoài thời gian học tập trên lớp và ôn tập kiến thức ở nhà, khi có thời gian rảnh, Quỳnh thường dành nhiều thời gian xem các chương trình, ca nhạc, phim ảnh... Những hoạt động ấy một phần để giải trí, nhưng thực tế cũng giúp em học được ngữ điệu và cải thiện được cách phát âm.
“Khi viết nhiều, đọc nhiều, xem nhiều, mình sẽ hình thành trí nhớ về ngôn ngữ ấy. Em nghĩ rằng muốn học tốt ngoại ngữ nào, cần phải tập trung, đầu tư đủ thời gian và đam mê, như vậy việc học sẽ không trở thành áp lực hay gánh nặng ”, Quỳnh nói.
Ngoài ra, động lực lớn nhất của Quỳnh khi học tiếng Trung là vì em yêu văn hóa của Trung Quốc. Khi bắt đầu học tiếng Trung, Quỳnh xem rất nhiều phim cổ trang và thấy được cả lịch sử của một quốc gia. “Em muốn học thật tốt để xem phim không cần phụ đề và hiểu hơn về những thần tượng mình đang theo đuổi”, Quỳnh chia sẻ.
Dù vậy, phải đến cuối năm lớp 11, Nguyệt Quỳnh mới chắc chắn về ý định sẽ đi du học Trung Quốc. Trước đó, mẹ mong muốn em theo đuổi bậc đại học trong nước và sẽ đi du học ở bậc cao hơn. Phải mất gần 4 tháng, Quỳnh mới thuyết phục được mẹ đồng ý với lựa chọn của mình.
Khi đưa ra quyết định này, Đại học Thanh Hoa là ngôi trường đầu tiên Quỳnh nghĩ tới. “Tìm hiểu về đất nước Trung Quốc, ngôi trường này đã thu hút em. Em được truyền cảm hứng bởi những cựu sinh viên thành đạt và ấn tượng vì sự rộng lớn của khuôn viên cũng như triết lý đào tạo của trường”.
Vì thế, Quỳnh quyết định nộp hồ sơ vào đây với mong muốn theo học tại Viện Kinh tế, Tài chính, Quản lý. Dù chuẩn bị hồ sơ khá muộn và phải nộp trong đợt 2 vào tháng 11, nhưng đầu tháng 2 vừa qua, Quỳnh nhận được thư thông báo trúng tuyển từ trường. Dù vậy, nữ sinh vẫn phải chờ tới đầu tháng 7 để nhận kết quả xét học bổng từ Chính phủ.
Để vào được ngôi trường hàng đầu châu Á này, ứng viên cần có chứng chỉ Hán ngữ quốc tế, chứng chỉ tiếng Anh, học bạ, thư giới thiệu, video giới thiệu bản thân cùng một bản kế hoạch học tập.
Trong suốt 3 năm phổ thông, Quỳnh có bảng thành tích đáng nể khi thi đỗ HSK 6 và HSKK cao cấp, IELTS đạt 7.0. Tháng 4/2023, nữ sinh tham gia vòng thi quốc gia tại cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ. Đây là sân chơi quốc tế do Viện Khổng Tử tổ chức hàng năm, dành cho những học sinh, sinh viên yêu thích tiếng Trung.
Đoạt giải Nhất trong cuộc thi, Quỳnh trở thành đại diện của Việt Nam được tham dự vòng thi quốc tế. Tại vòng này, nữ sinh chuyên Ngữ phải cạnh tranh với 110 thí sinh đến từ 96 quốc gia và vùng lãnh thổ, tranh tài ở các phần thi kiến thức, hùng biện, tài năng.
Chung cuộc, nữ sinh Việt đoạt giải Nhì và giành được học bổng theo học 1 năm ngành Hán ngữ quốc tế tại một trường bất kỳ ở Trung Quốc. Theo Quỳnh, kết quả này có lẽ là điểm cộng giúp hồ sơ của em mạnh hơn khi nộp tới trường.
Trong bản kế hoạch học tập, Quỳnh đã trình bày những điều em mong muốn sẽ làm trong 4 năm nếu được nhận vào trường. Dù không chia sẻ chi tiết nhưng Quỳnh tiết lộ, em mong muốn tất cả kỳ vọng nêu trong bản kế hoạch có thể khiến em trưởng thành và phát triển bản thân nhiều hơn khi học tập tại trường.
Ngoài ra trong hồ sơ, Quỳnh cũng gửi một video giới thiệu bản thân trong vòng 3 phút. Quỳnh nói về việc em yêu thích môn Toán và tiếng Trung, có một số tài lẻ về nghệ thuật như biết chơi piano, guitar, dancesport và cũng đã có chứng chỉ piano quốc tế.
Em mong muốn vào trường vì ấn tượng sâu sắc về ngôi trường này từ lâu. Em hy vọng mình sẽ trở thành một thành viên của “ngôi nhà” Thanh Hoa. Trong thời gian chờ đợi kết quả từ Chính phủ, Quỳnh dự định sẽ tập trung hoàn thành tốt chương trình học tập ở bậc phổ thông, đồng thời trau dồi thêm về ngôn ngữ và văn hóa của Trung Quốc.
Ngày 11/1, cảnh sát tuyên bố đã tìm thấy một trong số những du học sinh Việt mất tích nhưng vẫn còn 4 trường hợp chưa có tin tức gì.
Các nhà chức trách đang nỗ lực tìm kiếm thông tin về các thiếu niên mất tích sau khi Sunnie Nguyễn, học sinh lớp 11, 17 tuổi, là người mới nhất mất tích một cách bí ẩn.
Nữ sinh Sunnie được gia đình giám hộ bản xứ mô tả là người “nhút nhát” và gặp khó khăn trong việc giao tiếp tiếng Anh. Em mất tích sau khi ăn tối với gia đình chủ nhà vào tối thứ Hai (ngày 8/1). Bà chủ nhà giám hộ, May Zervaas, phát hiện ra nữ sinh đã biến mất vào khoảng 23h.
Sunnie rời đi với chiếc ba lô đựng máy tính xách tay, giấy tờ tùy thân quan trọng và quần áo. Điện thoại của em bị tắt và tài khoản mạng xã hội như Instagram, Snapchat, TikTok đã bị xóa.
“Ở nhà, Sunnie có 5 chiếc túi nhưng em ấy chỉ mang đi 1 chiếc. 2 đôi giày của cô bé đã biến mất, nhưng tủ quần áo và túi đựng quần áo vẫn còn nguyên quần áo trong đó”.
Cũng theo bà Zervaas, phòng của Sunnie không có dấu hiệu là hiện trường của vụ cưỡng bức hay đột nhập và phần lớn đồ đạc của em ấy vẫn còn trong phòng.
Mary, con gái của bà Zervaas, nói với tờ Daily Mail: “Sunnie mang theo những thứ quan trọng như máy tính xách tay và hộ chiếu, tuy nhiên, đây là những thứ mà chúng tôi nghĩ em ấy thường mang theo bên mình để làm giấy tờ tùy thân hợp lệ và một số quần áo. Nhưng em ấy đã để lại mọi thứ khác ở đây, bao gồm cả thuốc uống - điều này khá quan trọng. Tôi đã ngồi cạnh chiếc điện thoại của mình cả đêm và hồi hộp chờ đợi một cuộc gọi”, Mary nói.
“Cả gia đình đang rất lo lắng. Tiếng Anh của Sunnie không trôi chảy lắm và em ấy thường phải nhờ người khác dịch. Em ấy sẽ phải vật lộn một mình”, Mary nói thêm.
Trước đó, nhà Zervaas khai với cảnh sát rằng Sunnie sống hạnh phúc, hòa thuận với gia đình và thị thực du học của em vẫn còn thời hạn tới 3 năm. Vì vậy, họ không nghĩ là em đã bỏ trốn.
Gia đình giám hộ của Sunnie Zervaas đã trình báo cảnh sát về việc Sunnie mất tích vào lúc 11h30 ngay sau khi cô mất tích. Gia đình hy vọng Sunnie sẽ đọc được tin tức và liên hệ để cho họ biết rằng bản thân em vẫn ổn.
Các nhà chức trách đang điều tra vụ mất tích, xem xét khả năng những thanh niên này “mất tích” có thể đã đi du lịch xuyên bang. Đồng thời, cảnh sát cũng nhận định không có khả năng có mối liên hệ giữa các vụ mất tích.
Cảnh sát bang South Australia cho biết trong một tuyên bố: “Tất cả các cuộc điều tra đều chỉ ra rằng một số thanh niên này có thể đã đi du lịch xuyên bang và vẫn ở đó”.
“Hiện tại các cuộc điều tra đều chưa thể kết luận những em này đang gặp nguy hiểm ở thời điểm hiện tại. Cảnh sát đang làm việc với các đối tác cảnh sát liên bang để giúp xác định vị trí của những thanh niên này", phát ngôn viên cảnh sát thành phố cho biết.
Trong khi đó, một lãnh đạo cộng đồng người Việt tại TP Adelaide cho rằng các học sinh mất tích có thể đã đi du lịch trong kỳ nghỉ học.
Sunnie được cho là người thường xuyên lui tới các địa điểm như trung tâm thương mại CBD, khu vực ngoại ô Marion và South Plympton của TP Adelaide.
“Tôi hy vọng rằng đây là trường hợp vì đang nghỉ học nên những thanh thiếu niên 17 tuổi muốn tụ tập đi đâu đó và không kể với ai. Tôi hy vọng đó là nguyên do cho trường hợp này”, bà Liên Nguyễn-Navas từ Hội Phụ nữ Việt Nam TP Adelaide cho biết.
Các nhà chức trách đang kêu gọi tất cả mọi người biết thông tin liên lạc ngay với cảnh sát để hỗ trợ công tác điều tra.
Tử Huy