|
Chính phủ phải tự đổi mới để trở thành Chính phủ thời đại 4.0
Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Vietnam ICT Summit 2018 chủ đề “Hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số” được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cùng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)-Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính phối hợp tổ chức hôm nay, ngày 17/8.
Trong phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, thế giới đang chuyển từ kỷ nguyên của điện tử hóa, tự động hóa, tin học hóa sang kỷ nguyên số hóa, thông minh hóa và trí tuệ nhân tạo. Những thành tựu khoa học công nghệ tạo nên kỷ nguyên mới tác động vô cùng sâu sắc đến mọi khía cạnh của sản xuất kinh doanh, từ sản phẩm, xu hướng thị trường và tiêu dùng, kỹ năng, mô hình kinh doanh, cách thức quản trị cho đến sự vận hành của các chuỗi giá trị toàn cầu và cả trong sự tương tác giữa thị trường và nhà nước.
Nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã mở ra một thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại-thời đại số mà dự báo sẽ tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội, Thủ tướng cho rằng, đây chính là cơ hội lịch sử song đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Để không bỏ lỡ cơ hội này thì trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng CNTT, công nghệ số mang lại và đáp ứng được thách thức của thời đại kinh tế số.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã bắt tay xây dựng CPĐT ngay từ đầu những năm 2000, gắn với quá trình đổi mới thể chế và cải cách nền hành chính và đã có kết quả nhất định. Tuy nhiên, tốc độ còn rất chậm, kết quả còn hạn chế. Vì vậy, Diễn đàn có trách nhiệm nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như thực tiễn xây dựng CPĐT tại Việt Nam và chứng minh việc ứng dụng CNTT, công nghệ số tạo ra phương thức mới cho hoạt động quản trị của Chính phủ là cách tốt nhất để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn thông qua việc tạo thuận lợi và bình đẳng hơn cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận các cơ hội phát triển. Theo Thủ tướng, đây cũng biểu hiện rõ nét nhất giúp tăng cường công khai, minh bạch, phòng ngừa, hạn chế tham nhũng lãng phí trong hoạt động của chính quyền các cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào các hoạt động của nhà nước.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù Việt Nam đã tiến 10 bậc theo đánh giá của Liên Hợp quốc về CPĐT song vẫn đứng ở vị trí khiêm tốn là thứ 6 trong khu vực ASEAN. Cùng với đó, còn nhiều tồn tại và bất cập trong triển khai CPĐT như: cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện; nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất thiếu; hạ tầng thông tin có mức độ an toàn còn thấp; còn rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng CNTT; tốc độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng còn rất chậm; các hệ thống thông tin dữ liệu chưa được kết nối thông suốt; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ.
Dồn sức, đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển Chính phủ điện tử
Thủ tướng cũng cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng nền kinh tế số Việt Nam xung quanh 3 trụ cột chính. Đó là hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng cứng và mạng lưới viễn thông làm nền tảng để tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế. Tiếp theo là tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở có ích cho việc dự đoán kịp thời và ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao. Và thứ ba là chính sách chuyển đổi số, bao gồm các dịch vụ, chính sách chuyển đổi từ CPĐT sang Chính phủ số, chính sách đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ.
">