Một dịp Tết cổ truyền nữa lại đang đến gần trong một bối cảnh chưa từng có trong lịch sử. Tết trong mùa Covid không có bắn pháo hoa đêm giao thừa, nhiều người chọn không về quê, số khác sẽ không thăm chúc họ hàng... và sẽ còn nhiều cái mới nữa đến trong năm nay. Cũng chính từ những hoàn cảnh đặc biệt ấy, người ta lại đặt ra câu hỏi về Tết hiện đại sẽ thế nào và nên thế nào?Cùng với quá trình phát triển kinh tế của đất nước, những nét văn hóa truyền thống của đất nước cũng đang dần bị ảnh hưởng và mai một bởi yếu tố ngoại lai. Giới trẻ bây giờ dường như thích các ngày Tết Dương lịch, Giáng sinh, Halloween, Valentine hơn là những ngày lễ Tết truyền thống. Thậm chí còn có ý kiến muốn gộp Tết ta vào Tết Tây, ăn Tết theo Dương lịch. Đó là một thực tế rất đáng buồn.
Gần đây, tôi thấy xuất hiện ngày một nhiều những tư tưởng mới về cách đón Tết cổ truyền trong thời đại mới. Có người nói Tết hiện đại không cần phải về quê. Nhiều người trẻ ngày nay chọn ăn Tết xa nhà, thậm chí xách vali đi du lịch xuyên Tết. Bây giờ người ta quan niệm là "nghỉ Tết", "chơi Tết" chứ không còn là "ăn Tết", cho rằng "cả năm thiếu gì dịp về thăm nhà, cứ gì cứ phải chờ đến Tết?".
Đúng là như vậy, không khó để mỗi chúng ta có thể trở về trong năm, vừa đỡ cảnh chen chúc lại chi phí rẻ hơn. Nhưng để gia đình đông đủ đoàn tụ với nhau, có lẽ không đâu bằng Tết. Ngày thường, rất hiếm khi tất cả các thành viên trong gia đình có mặt đông đủ. Chỉ có ngày Tết mọi người trong gia đình mới có cơ hội để quây quần bên nhau, cùng ăn cơm và cùng hàn huyên tâm sự, sẻ chia với nhau những buồn vui sau cả một năm xa cách. Do vậy, Tết là ngày của sự đoàn tụ, để mọi người trở về với gia đình của mình.
Trong đời sống hiện đại, việc sắm Tết cũng đang bị ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Xung quanh tôi, nhiều gia đình không còn tự tay chuẩn bị mâm cơm ngày Tết nữa, họ chọn ra chợ, đi siêu thị mua đồ ăn sẵn, mua thịt xông khói, xúc xích, bít tết, mỳ Ý về ăn Tết thay vì bánh chưng, giò lụa, gà luộc... Tất nhiên, ăn gì là quyền của mỗi người, tự làm cơm hay mua cỗ cúng làm sẵn là tùy điều kiện kinh tế và sở thích của mỗi cá nhân, nhưng có những thứ thuộc về nét đẹp văn hóa truyền thống thì cũng không nên bị phá bỏ hoàn toàn như vậy. Tết sẽ còn lại gì khi không có những món ăn truyền thống dâng lên bàn thờ tổ tiên?
>> Cả Tết ăn đồ thừa
Ngày nay, nhiều chị em phụ nữ vùng lên đòi nữ quyền, bình đẳng giới, nhưng đôi khi nó đi hơi quá giới hạn. Có người nói, Tết là để nghỉ ngơi, phụ nữ không cần vào bếp nấu nướng món này, món kia cho mất công, mà ăn cũng chẳng được mấy. Cá nhân tôi cũng là một phụ nữ nhưng không đồng tình với quan điểm đó. Với tôi, nấu nướng ngày Tết không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn thể hiện lòng thành tâm của mình. Đó cũng là dịp để tôi dạy cho các con về cách làm những món ăn truyền thống ngày Tết, một cách để lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc. Đó cũng là dịp để vợ chồng, con cái chúng tôi xích lại gần nhau hơn, cùng nhau tìm thấy niềm vui trong lao động.
Sẽ có nhiều định nghĩa khác nhau về một cái Tết hiện đại. Cũng rất khó để nói thế nào mới là đúng, là chuẩn mực? Tuy nhiên, với riêng tôi, Tết vẫn phải là gia đình đoàn tụ, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa đón Tết, làm mâm cơm cúng dâng lên ông bà tổ tiên, thăm chúc anh em họ hàng, đi lễ chùa đầu năm cầu bình an... Đó là những hương vị rất riêng của Tết, không có gì thay thế được. Khi bạn đón Tết với một tâm thế hân hoan, mọi mệt mỏi sẽ được tan biến.
Đúng là Tết Việt cần có nhiều thay đổi để phù hợp với thời đại. Những hủ tục lạc hậu trong trong dịp Tết Nguyên đán, như mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè, lãng phí, các lễ hội phản cảm... cần phải được loại bỏ. Nhưng về cơ bản, vẫn còn đó những giá trị cần được lưu giữ cho đời sau. Nếu chúng ta cứ vin vào hiện đại mà xóa sạch truyền thống, sẽ đến một ngày, thế hệ trẻ sẽ chẳng còn biết thế nào là Tết cổ truyền?
Đến giờ này, con cháu tôi đã tề tựu đông đủ sau một năm quá nhiều biến cố, may mắn tất cả đều bình an và mạnh khỏe. Với một người đầu hai thứ tóc như tôi, đó là một niềm hạnh phúc. Nồi bánh chưng cũng đã sẵn sàng để cả nhà cùng đón giao thừa. Mâm cỗ Tết cũng đã xong xuôi các bước chuẩn bị cuối cùng chờ năm mới. Tôi thấy thật vui khi cái Tết đúng nghĩa của dân tộc vẫn hiện hữu trong chính căn nhà mình. Chúc cho tất cả chúng ta sẽ đón một năm mới nhiều an vui, tài lộc. Và đặc biệt, hãy giữ cho cái Tết cổ truyền mãi trọn vẹn.
Đỗ Hòa
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
" alt="Ăn Tết hay chơi Tết">