Năm 2017, Viettel đạt lợi nhuận gần 44.000 tỷ đồng, tăng 12%
Tốc độ tăng trưởng viễn thông trong nước của Viettel gấp 2 lần mức trung bình thế giới,ămViettelđạtlợinhuậngầntỷđồngtătinthethao24h còn các thị trường nước ngoài là gấp 6 lần. Năm 2017, lợi nhuận đạt được gần 2 tỷ USD trong bối cảnh đầu tư lớn cho 4G và thị trường Myanmar.
Năm 2017, Viettel đạt tổng doanh thu 250.800 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4% so với năm 2016; tổng lợi nhuận đạt gần 44.000 tỷ đồng, tăng 12%. Kết quả về lợi nhuận đạt được trong bối cảnh khá đặc biệt: Tập đoàn Viettel có đầu tư lớn trong năm cho mạng 4G và đầu tư mạng viễn thông có quy mô lớn nhất tại nước ngoài ở Myanmar. Nếu tính trong số các tập đoàn kinh tế Nhà nước, Viettel chiếm khoảng 60% tổng lợi nhuận của năm 2017.
Trong khi đó, theo hãng nghiên cứu thị trường Ovum (Anh), mức tăng trưởng doanh thu bình quân năm 2016 của ngành viễn thông thế giới là 4%, còn lợi nhuận giảm 1,6%. Ở trong nước, dù thị trường đã dần bão hòa, mảng viễn thông của Viettel vẫn tăng trưởng 6,4% (gấp gần 2 lần trung bình của thế giới); còn đầu tư nước ngoài tăng trưởng 24,4%, gấp 6 lần trung bình thế giới,
Viễn thông trong nước đóng góp 65,6% trong tổng doanh thu của Tập đoàn; mảng đầu tư nước ngoài có tỷ trọng doanh thu ngày càng tăng với tỷ lệ năm 2017 là 13,55%.
Ở mảng nghiên cứu sản xuất, Tập đoàn Viettel đạt doanh thu 12.500 tỷ đồng; các thiết bị mạng lõi do Viettel sản xuất đã được đưa vào mạng lưới tại Việt Nam và cả thị trường quốc tế, trong đó có 300 trạm BTS 4G. Năm 2017, Viettel đã có 25 bằng sáng chế, gấp 3 lần năm 2016 và đứng thứ 3 cả nước. Lợi nhuận ở mảng nghiên cứu sản xuất cũng đạt tới 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả kinh doanh, Viettel nộp ngân sách đạt 41.140 tỷ đồng - tăng 2,3%. Con số này tương đương tổng chi ngân sách trung ương cho 3 lĩnh vực sự nghiệp: giáo dục - đào tạo, dân số - y tế, và khoa học - công nghệ. Năng suất lao động đạt 3,09 tỷ đồng/người - tăng 20% so với năm 2016. Còn theo công bố từ Tổng cục thống kê, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/người .
Tập đoàn Viettel được ghi nhận 3 chỉ số quan trọng trong các doanh nghiệp Việt Nam: doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất (Vietnam Report); doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính); doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất với 2,6 tỷ USD (Brand Finance - tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh). Với giá trị này, thương hiệu Viettel được xếp hạng thứ 49 trong tổng số 50 thương hiệu Viễn thông lớn nhất thế giới.
Năm 2017, Tập đoàn Viettel được Chính phủ công nhận là Doanh nghiệp Quốc phòng, An ninh. Với việc được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng an ninh, Viettel còn có nhiệm vụ đến năm 2020, phải xây dựng thành công tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao với giá trị doanh thu từ nghiên cứu, sản xuất thiết bị quân sự của Viettel đạt 1 tỷ USD.
Năm 2018, Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu doanh thu 277.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5% so với năm 2017; lợi nhuận 45.500 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2017. Thuê bao 4G lũy kế đến cuối năm 2018 dự kiến đạt 17 triệu. Viettel đặt mục tiêu nâng cao chất lượng mạng lưới, đưa tốc độ data mạng 4G vào Top 10 của thế giới. Ở mảng đầu tư nước ngoài, Viettel sẽ khai trương dịch vụ di động tại Myanmar - thị trường quốc tế thứ 10.
Lợi nhuận 5.000 tỷ đồng từ nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao Viettel đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất OCS lớn nhất toàn cầu. Với việc tự nghiên cứu, phát triển hệ thống tính cước này, Viettel đã tiết kiệm được hơn 70 triệu USD (~ 1.600 tỷ VNĐ) chi phí đầu tư. Năm 2017, 1.000 trạm BTS 4G do Viettel sản xuất cũng đã bắt đầu được đưa vào mạng lưới viễn thông của Viettel ở Đông Timor và Việt Nam. Theo kết quả đo kiểm, thiết bị 4G của Viettel đạt 25/26 chỉ tiêu theo chuẩn của 3GPP, tổ chức duy nhất trên thế giới về chuẩn hoá các công nghệ mạng thông tin di động tế bào. Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc Viettel chính thức tham gia vào lĩnh vực sản xuất và cung cấp thiết bị mạng viễn thông – một lĩnh vực mà hiện trên thế giới chỉ còn có 5 nhà cung cấp. Ngoài ra, thiết bị báo hiệu cứu hộ trên biển là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ quốc tế của Cospas-Sarsat, góp phần đưa Việt Nam vào top 5 các nước châu Á sản xuất được thiết bị này. Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020, 70% hạ tầng viễn thông của Viettel sẽ do Viettel làm chủ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. Tất cả các thành phần từ mạng lõi (vOCS, MSC, EPC, IMS), mạng truyền dẫn (Site Router) đến mạng truy nhập (eNodeB) của Viettel sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nào. Về quân sự, năm 2017, Viettel hoàn thành sản xuất 34.000 thiết bị thông tin, tổng đài, hàng chục radar (trong đó có sản phẩm sở hữu tính năng ngang tầm top đầu thế giới như ra-đa cảnh giới bờ có tính năng chiến - kỹ thuật tương đương dòng Score 3000 của khối NATO), 13.800 km cáp quang; 07 tổ hợp VUA-SC-3G; hệ thống tự động hóa chỉ huy tác chiến điện tử; hệ thống máy tính ảo phục vụ đấu tranh chống diễn biến hòa bình trên không gian mạng. |
Nguyễn Long