Dưới đây là một số điểm bạn nên biết trước khi có dự định mua Nokia 8110 4G.
Dù có cùng tên gọi và vẫn mang dáng dấp của phiên bản "cha chú" cách đây 22 năm nhưng Nokia 8110 4G đã được thiết kế lại gần như hoàn toàn theo hướng hiện đại, mỏng và gọn nhẹ hơn nhiều. Thân máy hoàn toàn bằng nhựa, mỏng 15mm và nặng 117g so với bản gốc là 25mm và 152g. Phiên bản mới được cập nhật nhiều tính năng để không trở nên quá lạc hậu so với các điện thoại thời nay. Máy có màn hình lớn hơn và là màn hình màu, không còn ăng ten nhô ra như phiên bản 1996, dung lượng pin gia tăng gấp hơn 3 lần (1500 mAh so với 400 mAh), có cổng sạc micro USB và giắc âm thanh 3.5mm.
Nokia 8110 4G với thiết kế mảnh mai, hiện đại hơn nhiều so với phiên bản "cha chú" ra đời từ năm 1996
Bàn phím bấm T9 của Nokia 8110 4G có thiết kế dạng dẹt, phẳng không phải tròn và hơi nhô lên như bản cũ. Các phím trên bàn phím có bề mặt lớn nhưng bấm hơi rít, không thoải mái như các điện thoại Nokia trước đây.
Bàn phím làm dẹt và phẳng nên gõ không thoải mái
Hai chi tiết đặc trưng nhất nhất của phiên bản gốc là nắp trượt và thân máy cong hình quả chuối vẫn được kế thừa trên Nokia 8110 4G. Nắp trượt này kiêm luôn vai trò bật tắt màn hình và nhận hay kết thúc cuộc gọi. Cơ chế trượt khá trơn tru nhưng do đã quá quen với chiếc smartphone màn hình cảm ứng, người viết vẫn phải mất vài ngày mới có thể làm quen lại với việc mở đóng nắp trượt của Nokia 8110.
Thiết kế cong hình quả chuối không lo xước màn hình.
Mặt lưng làm từ nhựa nhám, không bóng như bản Nokia 3310 năm ngoái.
Nhìn chung, Nokia 8110 4G có thiết kế mỏng nhẹ hơn bản gốc và vẫn giữ được chút hoài cổ của "huyền thoại" Nokia 8110 ra đời năm 1996. Bản màu đen trông đúng chất cổ điển, retro nhưng bản màu vàng dễ gây ấn tượng mạnh hơn và trẻ trung hơn.
Màn hình 2.45 inch độ phân giải QVGA 240 x 320 pixel cho chất lượng tốt
Màn hình của Nokia 8110 4G có kích cỡ 2.45 inch độ phân giải 240 x 320 pixel và là màn hình màu. Tương tự chiếc Nokia 3310 năm ngoái, chất lượng hiển thị của màn hình mang lại nhiều bất ngờ: màn sáng, trong, góc nhìn khá rộng và có thể nhìn ổn ngoài trời. Chỉ có điểm bất tiện là để tăng giảm độ sáng màn hình, người dùng cần phải vào sâu trong phần cài đặt hệ thống chứ không thể tinh chỉnh nhanh ở phần lối tắt. Máy cũng không có cảm biến tự động tăng giảm độ sáng màn hình theo môi trường như hầu hết các smartphone hiện nay.
Dù có bề ngoài của điện thoại cục gạch nhưng Nokia 8110 4G thực sự là một chiếc smartphone cơ bản
Máy có bộ vi xử lý Snapdragon 205 (lõi kép tốc độ 1.1GHz, GPU Areno 304), RAM 512MB, bộ nhớ trong 4GB cùng khe cắm thẻ nhớ ngoài, màn hình 2.45 inch độ phân giải QVGA, pin 1500 mAh, camera sau 2MP có một đèn LED flash và chạy hệ điều hành Smart Feature OS tùy biến dựa trên hệ điều hành KaiOS (hậu duệ của hệ điều hành Fireox OS đã khai tử vào năm 2016).
Hệ điều hành KaiOS ra mắt năm 2017, hỗ trợ các ứng dụng HTML5, các kết nối hiện đại như LTE và rất nhẹ, có thể chạy trên thiết bị RAM 256MB. Về kết nối, Nokia 8110 4G hỗ trợ 3G và 4G LTE Cat. 4 (tốc độ tải về 150 Mbps và tải lên 50 Mbps), tương thích tất cả mạng 4G ở Việt Nam.
Là smartphone nên Nokia 8110 4G có đầy đủ các tính năng thông thường của một chiếc điện thoại đời mới như lướt web, duyệt mail, chơi game, Facebook, có kho ứng dụng riêng… Tuy nhiên, các chức năng smartphone trên điện thoại này đều ở mức giới hạn, thậm chí có thể gọi là cho có do màn hình nhỏ, không có cảm ứng và bàn phím vật lý không tiện cho các chức năng điều hướng kiểu smartphone.
8110 4G tỏ ra chậm chạp ngay cả với cả tác vụ cơ bản nhất
Nhìn vào cấu hình có thể thấy Nokia 8110 4G không tệ so với một điện thoại "cục gạch" thông minh. Tuy vậy, trải nghiệm các chức năng trên máy lại nhanh chóng gây thất vọng. Tốc độ xử lý của 8110 khá chậm chạp, kể cả với những chức năng cơ bản như chuyển đổi giữa các liên lạc trong danh sách cuộc gọi gần đây, danh bạ, tin nhắn…
Tính năng hiếm có trên điện thoại "cục gạch" - khả năng phát mạng Wi-Fi từ mạng 3G/4G
Đây có thể coi là điểm đáng giá nhất trên Nokia 8110 vì từ trước tới nay, hiếm có điện thoại "cục gạch" nào có khả năng trở thành cục phát Wi-Fi từ mạng di động 3G/4G như vậy. Nhờ hỗ trợ 4G nên tốc độ mạng Wi-Fi từ 8110 rất tốt, có thể xem YouTube chất lượng Full HD mà không gặp vấn đề gì. Mạng có tầm phủ sóng khá rộng và vẫn hoạt động ổn ở khoảng cách từ 20 đến 25 mét. VnReview cũng đã test kỹ thời lượng pin của 8110 khi sử dụng chức năng phát Wi-Fi và máy đạt được hơn 5,5 tiếng liên tục. Đây là kết quả khá tốt, gần tương đồng với thời lượng pin của các cục phát Wi-Fi du lịch chuyên dụng trên thị trường hiện nay.
Nokia 8110 4G dùng làm cục phát Wi-Fi pin được bao lâu?
Có thể đồng bộ danh bạ từ Google Gmail, Microsoft Outlook hoặc thẻ nhớ
Đa số người dùng điện thoại hiện nay đều lưu danh bạ qua Google Gmail hoặc Microsoft Outlook. Vì vậy, khả năng đồng bộ danh bạ từ hai ứng dụng email trên tiếp tục là điểm cộng lớn cho Nokia 8110 4G. Ngoài ra, bạn có thể xuất danh bạ vào thẻ nhớ rồi nhập vào Nokia 8110.
Chức năng ghi âm chưa hỗ trợ cuộc gọi đến và đi
Nokia 8110 4G có chức năng thu âm ở định dạng file âm thanh .cdr. Chất lượng ghi âm ở mức tậm ổn. Tuy vậy, điểm đáng tiếc là máy không hỗ trợ chức năng thu âm cuộc gọi dù ở chiều đến hay chiều đi.
Kho ứng dụng quá "đìu hiu"
Là smartphone cơ bản chạy hệ điều hành KaiOS và có kho ứng dụng riêng nhưng số lượng ứng dụng trên 8110 thực sự rất nghèo nàn. Trên phiên bản chính hãng được bán tại Việt Nam, kho ứng dụng của Nokia 8110 4G chỉ có vỏn vẹn 5 game (không tính 4 game cài sẵn gồm Rắn săn mồi Snake, Danger Dash, Castle Of Magic và Nitro Street Run 2) và 1 ứng dụng tiện ích là ứng dụng thời tiết. Bên cạnh đó, các game cài sẵn trừ Rắn săn mồi Snake đều là game demo, yêu cầu người chơi phải bỏ tiền để mua game. Còn các game trong kho ứng dụng liên tục báo lỗi không thể tải về do lỗi invalid signature (chứng thực) !!!.
81110 không hỗ trợ các ứng dụng Java nên kể cả khi bạn cố chép các file dạng .jar hay .jad vào máy để cài đặt, máy cũng không thể mở được các file này.
Hầu hết các dịch vụ cần thiết đều phải truy cập qua trình duyệt web
Trình duyệt của máy được tích hợp sẵn đường dẫn tới 4 ứng dụng Facebook, Twitter, Google và Wikipedia. Ngoài ra, người dùng có thể truy vào phiên bản web của YouTube hay Google Maps để sử dụng. Tuy vậy, với màn hình nhỏ, tốc độ cuộn, tải trang "rùa bò", phản hồi chậm chạm và bàn phím kiểu T9 cổ điển, việc sử dụng các ứng dụng này rất hạn chế, nhất là với Facebook và Twitter. Nói chung, đây chỉ là chức năng chống cháy, cho có mà thôi.
Trong buổi ra mắt ở MWC 2018 đầu năm nay, Nokia từng giới thiệu 8110 4G sẽ có sẵn các app chuyên dụng cho Facebook, Twitter cùng bộ app của Google như bản đồ, trình tìm kiếm, thậm chí cả trợ lý ảo Google Assistant nhưng hiện tại với phiên bản chính hãng ở Việt Nam, các ứng dụng này đều chưa thấy xuất hiện.
Hình ảnh giới thiệu của Nokia về 8110 4G tại MWC 2018 từng có sự xuất hiện của các ứng dụng Google, Facebook, Twitter, thậm chí cả Google Assistant
Viên pin đi kèm của 8110 4G có dung lượng 1500 mAh
Dung lượng pin của Nokia 8110 4G được gia tăng gấp gần 4 lần so với phiên bản cách đây 22 năm. Tuy vậy, thời lượng sử dụng pin của máy ở mức trung bình, dùng được khoảng 2 ngày ở điều kiện liên tục có bật mạng 3G/4G và Wi-Fi. Đây là thời lượng ở mức trung bình, có thể là do chức năng smartphone làm máy hao pin hơn dù các chức năng đó đều chỉ ở mức dùng tạm.
Tính năng "sống còn" của một chiếc điện thoại cục gạch vẫn được 8110 thể hiện tốt
Dù được trang bị bao nhiêu tính năng thông minh, hiện đại đến thế nào, điều mà người dùng quan tâm nhất trên một chiếc điện thoại "cục gạch" như 8110 luôn là khả năng nghe gọi. Trong suốt 1 tuần sử dụng 8110 là máy liên lạc chính, thực hiện hàng chục cuộc gọi đến và đi, người viết không gặp bất cứ vấn đề gì về khả năng nghe gọi của máy. Loa thoại của 8110 cho âm lượng rõ ràng, trong trẻo, mic bắt tiếng tốt, lọc ồn hiệu quả. Khả năng bắt sóng tốt dù đi vào vùng sóng yếu, nơi nhiều smartphone thường bị tình trạng sóng yếu. Loa ngoài của 8110 cũng cho âm lượng rất lớn, nhưng hơi rè và chói nếu để âm lượng tối đa.
Trang bị duy nhất 1 camera phía sau độ phân giải vỏn vẹn 2 MP khẩu độ f/2.6 với đèn flash LED tương tự chiếc Nokia 3310, không quá bất ngờ khi chất lượng ảnh chụp của 8110 chỉ dừng ở mức "chống cháy". Máy chỉ có thể lấy nét cố định nên việc bạn thường xuyên chụp out nét là điều không hề hiếm gặp, nhất là khi chụp cận cảnh hoa lá. Điểm đáng khen duy nhất ở phần camera này có lẽ là tốc độ chụp. Máy có thể chụp, lưu ảnh khá nhanh với độ trễ thấp. Tất nhiên, nếu là người có kinh nghiệm, bạn vẫn có thể cho ra những bức ảnh tạm ổn từ chiếc smartphone cục gạch này.
Một số ảnh chụp từ camera 2MP của Nokia 8110 4G
Những điểm hấp dẫn nhất ở điện thoại này là mang lại cảm giác hoài cổ, thiết kế mảnh mai dễ cầm nắm, màn hình hiển thị khá tốt, có thể dùng làm cục phát Wi-Fi với thời lượng pin tương đối tốt và có chức năng nhập danh bạ từ Gmail. Tuy nhiên, máy có những điểm yếu rất đáng lưu tâm là hiệu năng xử lý chậm, thời lượng pin thấp hơn kỳ vọng và các chức năng smartphone gần như chỉ cho có.
Video trên tay chi tiết/ đánh giá nhanh Nokia 8110 4G
Đạt Phong
" alt="12 điều nên biết trước khi mua “smartphone cục gạch” Nokia 8110 4G"/>