Những đứa trẻ mưu sinh ở phố Tây Bùi Viện, quận 1, TPHCM, nhờ phun lửa, bán kẹo cao su (Ảnh: Hải Long)
Ngoài ra, đối tượng chăn dắt có hướng dẫn về nội dung, cách thức cho trẻ, người ăn xin để đối phó khi lực lượng chức năng phát hiện. Cách đối phó điển hình là giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su. Điều này dẫn đến công tác củng cố hồ sơ, chứng cứ để xử lý gặp nhiều khó khăn.
Vừa qua, Công an TPHCM cũng phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thực hiện tập trung gần 1.000 trường hợp người lang thang, xin ăn. Các đơn vị cũng quản lý 143 trường hợp người ăn xin là người nước ngoài (xử phạt, trục xuất 27 trường hợp, bàn giao 46 trường hợp cho nước ngoài).
Tại buổi họp báo, đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết, bảo vệ, chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của cha, mẹ, các thành viên trong gia đình. Trong trường hợp cha, mẹ, người thân chăn dắt trẻ em để trục lợi, các đối tượng sẽ bị xem xét, xử lý tùy theo mức độ hành vi vi phạm.
Theo Nghị định 130 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, các hành vi này sẽ bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng, nộp lại số tiền trục lợi bất hợp pháp khi có hành vi ép buộc trẻ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
">