Người dân nói được 4 thứ tiếng
Luxembourg là một quốc gia Tây Âu với diện tích chỉ khoảng 2585 km2 và dân số khoảng 661,íquyếtgiúpngườidânlàmchủngoạingữcủaquốcgiachâuÂu kqc1594 (số liệu năm 2024). Đây là trung tâm tài chính năng động bậc nhất thế giới với sự hiện diện của chủ nghĩa đa ngôn ngữ khắp nơi.
Phần lớn người dân Luxembourg nói được 4 thứ tiếng và tỷ lệ cư dân nước ngoài gần như đạt tới 50% tổng dân số. Các ngôn ngữ được nói khác nhau tùy theo ngữ cảnh, theo thông tin trên website Chính phủ Luxembourg.
7 ngôn ngữ phổ biến nhất là tiếng Luxembourg, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, 3 ngôn ngữ chi phối mọi mặt của quốc gia này.
Theo một nghiên cứu năm 2018 của Bộ Giáo dục Luxembourg, 98% dân số nước này nói tiếng Pháp, 80% nói tiếng Anh và 78% nói tiếng Đức. Tiếng Luxembourg được 77% dân số sử dụng. Tiếng Pháp là ngôn ngữ giao tiếp chính, tiếp theo là tiếng Luxembourg, tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha.
Tiếng Luxembourg là ngôn ngữ quốc gia và được sử dụng rộng rãi, đóng vai trò là ngôn ngữ giao tiếp chính của người dân trong cuộc sống hàng ngày.
Tiếng Pháp và tiếng Đức giữ vị trí chính thức như tiếng Luxembourg và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hành chính, giáo dục và truyền thông. Sự đa dạng về ngôn ngữ này phản ánh mối quan hệ lịch sử và địa lý của Luxembourg với nước láng giềng Pháp và Đức.
Bên cạnh 3 ngôn ngữ trên, tiếng Anh cũng được sử dụng thành thạo và phổ biến. Năm 2023, quốc gia này xếp hạng thứ 22 (mức thông thạo cao) trong bảng xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh EF EPI ở 113 quốc gia và vùng lãnh thổ do Tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First công bố.
Nuôi dưỡng đa dạng ngôn ngữ từ nhỏ
Phương pháp giáo dục ngôn ngữ của Luxembourg bắt nguồn từ việc nuôi dưỡng cho trẻ em khả năng đa ngôn ngữ ngay từ khi còn nhỏ.
Ở trường mầm non và đầu tiểu học, tiếng Luxembourg đóng vai trò là ngôn ngữ giảng dạy chính, cung cấp nền tảng vững chắc về ngôn ngữ dân tộc và bồi dưỡng bản sắc văn hóa.
Tiếng Đức là ngôn ngữ giảng dạy ở bậc tiểu học và những năm đầu THCS trước khi tiếng Pháp sau đó trở thành ngôn ngữ giảng dạy chính sau đó. Tiếng Anh cũng được lồng ghép vào chương trình giảng dạy.
Với sự đa ngôn ngữ ở Luxembourg, không có gì lạ khi thấy một số học sinh không nói được bất kỳ ngôn ngữ hành chính nào (tiếng Luxembourg, tiếng Pháp và tiếng Đức) khi tham gia hệ thống giáo dục.
Đối với những học sinh này, các trường trung học ở Luxembourg cung cấp các chương trình chuyên biệt, bao gồm dạy kèm chuyên sâu bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Đức, mở các lớp cho người bắt đầu cũng như các lớp dành cho người nói tiếng Anh.
Bên cạnh các trường công lập, Luxembourg còn có các trường quốc tế mở cửa miễn phí cho tất cả học sinh tiểu học hoặc trung học, trang bị cho học sinh lấy bằng Tú tài Quốc tế bằng tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc tiếng Đức. Một số trường này còn cung cấp các lớp học ở cấp mầm non, theo website chính phủ Luxembourg.
Thông thạo ngoại ngữ thúc đẩy thịnh vượng
Đại công quốc Luxembourg là minh chứng cho thấy sự đa dạng ngôn ngữ có thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, thịnh vượng kinh tế và hội nhập toàn cầu.
Lực lượng lao động đa ngôn ngữ của Luxembourg là động lực thúc đẩy sự thành công kinh tế của quốc gia châu Âu này. Lĩnh vực tài chính-ngân hàng phát triển mạnh, bối cảnh doanh nghiệp đa dạng và ngành công nghệ đang phát triển được hưởng lợi từ sự thông thạo ngôn ngữ của lực lượng lao động.
Quốc gia Tây Âu hiện là trung tâm tài chính quan trọng của châu Âu và nổi tiếng thế giới.
Đặc biệt, tiếng Anh đã nổi lên như một ngôn ngữ chung trong nhiều môi trường chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp và cộng tác giữa các nhân viên có nền tảng ngôn ngữ và xuất thân khác nhau.
Các tập đoàn đa quốc gia và tổ chức tài chính có trụ sở tại Luxembourg dựa vào đặc tính đa ngôn ngữ để điều hướng thị trường toàn cầu và thu hút nhân tài quốc tế. Trình độ thông thạo tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Anh cũng được đánh giá cao trong các lĩnh vực như hành chính công, y tế và dịch vụ pháp lý.
Tính đa ngôn ngữ của Luxembourg, kết hợp với nền kinh tế ổn định, môi trường thuế thuận lợi và vị trí chiến lược, khiến đất nước này trở thành địa điểm ưa thích cho các công ty quốc tế đang tìm cách thiết lập sự hiện diện ở châu Âu.
Xã hội đa dạng ngôn ngữ của Luxembourg đang đóng vai trò là hình mẫu cho các quốc gia khác mong muốn tìm cách coi sự đa dạng ngôn ngữ như một nguồn lực sức mạnh mềm cho sự phát triển của đất nước dù có hạn hẹp về diện tích, dân số hay tài nguyên.
Tử Huy