May thay, khả năng kháng nước gần như đã trở thành tiêu chuẩn cơ bản cho những dòng điện thoại cao cấp hiện nay. Mức độ kháng nước của thiết bị được tính bằng chuẩn IP (viết tắt của Ingress Protection). Nếu điện thoại có chuẩn kháng nước IP cao, ví dụ như IP67 hay IP68, thì xin chúc mừng, bạn không cần phải quá lo lắng vấn đề điện thoại bị vào nước. Nhưng nếu chuẩn IP trên thiết bị của bạn có con số thấp hơn, hoặc không được trang bị tính năng kháng nước, thì bạn nên chuẩn bị những kỹ thuật cần thiết cho tình huống xấu nhất.
Vậy khi điện thoại của bạn bị rơi vào nước, chắc chắn bạn sẽ ngay lập tức hoảng loạn và bắt đầu bấm nút loạn xạ, thổi vào các cổng kết nối hoặc sử dụng máy sấy để tìm cách làm khô nó càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, toàn bộ những cách làm trên hoàn toàn sai. Và ngay bây giờ, chúng tôi sẽ hướng dẫn kỹ thuật "hô hấp nhân tạo" chính xác nhất cho điện thoại bị "đuối nước".
Đầu tiên, bạn cần đưa nó ra khỏi nước càng nhanh càng tốt. Nếu chiếc điện thoại bạn bị rơi vào bồn tắm hay bồn cầu, hãy nhanh chóng vớt nó lên. Thời gian điện thoại ngâm trong nước càng kéo dài thì mức độ thiệt hại sẽ càng lớn.
Ngay khi đã vớt thiết bị lên, bạn hãy tắt nguồn điện thoại. Đừng thử bấm các phím cứng hay mở thử ứng dụng trên điện thoại, việc bạn cần làm chỉ là tắt nguồn mà thôi. Sau đó, bạn cần tháo ốp lưng (nếu có), tháo pin điện thoại nếu có thể. Bạn cần cắt nguồn thiết bị nhanh nhất có thể để tránh hiện tượng đoản mạch xảy ra. Tuy nhiên, hầu hết các dòng điện thoại mới nhất đều không thể tháo rời pin, nhưng một số mẫu điện thoại cũ hoặc một số dòng mới vẫn có thể tháo được pin, như Nokia 1.3 chẳng hạn.
Bạn không được sử dụng máy sấy hoặc lò nướng để làm khô điện thoại. Nhiệt độ cao có thể khiến các linh kiện điện tử phức tạp bên trong bị hư hại. Việc bạn nên làm là bỏ hết những phụ kiện gắn trên điện thoại ra, dùng khăn lau khô bên ngoài thiết bị, đảm bảo không có nước trong cổng sạc, khe SIM, khe thẻ nhớ và cổng tai nghe. Nếu có nước thấm vào trong những vết nứt hoặc kẽ hở trên vỏ điện thoại, hãy sử dụng bình xịt khí nén để nhẹ nhàng đẩy nước ra. Nếu bạn không có bình khí nén, bạn cũng có thể thổi bằng miệng. Bạn cần thao tác cẩn thận, tránh thổi khí vào những khu vực khác hay để bắn nước bọt vào khe hở.
Ở bước kế tiếp, bạn sẽ có một vài lựa chọn khác nhau. Nếu bạn thử tìm trên internet hay hỏi mọi người xung quanh, có nhiều ý kiến cho rằng nên để điện thoại vào trong thùng gạo. Cách này có thể mang lại chút hiệu quả, tuy nhiên nó cũng có thể dẫn đến một số vấn đề. Khi gạo hút nước, nó sẽ không thể loại bỏ độ ẩm nằm sâu bên trong thiết bị. Vì vậy, đây chỉ là một bước trong toàn bộ quá trình "cấp cứu" chiếc điện thoại của bạn. Ngoài ra, gạo cũng sẽ mềm và dính hơn khi thấm nước, và bột gạo cũng như những hạt nhỏ cũng có thể mắc kẹt trong các cổng kết nối hay khe hở trên điện thoại. Bạn có thể gói điện thoại trong giấy ăn trước khi cho vào thùng gạo nhưng cách này cũng không phải là sự lựa chọn tốt nhất.
Tốt nhất, bạn nên nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia. Một số cơ sở dịch vụ sửa chữa có cung cấp gói dịch vụ chuyên cứu hộ điện thoại bị vào nước với trang thiết bị chuyên dụng. Tuy nhiên, giá thành cho các dịch vụ này thường không rẻ, khoảng trên 1 triệu đồng.
Tất nhiên, với những ai có tính cẩn trọng thì việc chuẩn bị cho một tình huống khó tránh khỏi như thế này là rất hữu ích trước khi nó thật sự xảy ra. Phương pháp thông minh nhất là sử dụng gói hút ẩm. Những gói này có thể dễ dàng tìm thấy trong hộp đựng giày hay hộp đựng đồ ăn… Chúng thường có hình vuông, kích thước nhỏ và được in dòng chữ "KHÔNG ĐƯỢC ĂN" rất nổi bật. Trong gói hút ẩm thường là hạt silica gel, hạt này có khả năng hút ẩm xung quanh chúng. Gói hút ẩm có hiệu quả tốt hơn và nhanh hơn nhiều so với gạo, và nó cũng ít phải dọn dẹp hơn.
Bạn có thể dễ dàng tích trữ gói hút ẩm hoàn toàn miễn phí. Kể từ bây giờ, mỗi lần bạn mở hộp bất cứ thứ gì có kèm gói hút ẩm, hãy giữ chúng lại và cất trong túi hoặc hộp kín khí. Khi đã có đủ gói hút ẩm, bạn sẽ có ngay một chiếc "hộp cứu thương khẩn cấp" cho điện thoại bị rơi vào nước. Bạn chỉ việc cho chiếc điện thoại vào hộp kín khí cùng đống gói hút ẩm và để đó từ 24 đến 48 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho điện thoại vào chiếc hộp này sau một thời gian sử dụng nhất định để đảm bảo bên trong không bị ẩm.
Để đảm bảo cách này có thể hoạt động với hiệu quả cao nhất, bạn cần sử dụng túi hoặc hộp đựng kín khí hoàn toàn để tránh độ ẩm trong môi trường tràn vào. Ngoài ra, bạn cũng cần có đủ chất hút ẩm để có thể làm khô hoàn toàn điện thoại.
Với các bước nói trên, khả năng "sống sót" của chiếc điện thoại sẽ tăng lên kha khá đấy. Nhưng nếu điện thoại bị ngâm nước quá lâu, bạn sẽ không còn cơ hội cứu lấy nó. Trong trường hợp này, điều tốt nhất bạn có thể làm là mua một thiết bị mới có khả năng kháng nước.
(Theo VnReview, Wired)
4 mẹo giúp điện thoại thông minh chạy nhanh như mới
Bên cạnh việc dọn dẹp nhà cửa, bạn cũng nên áp dụng một số mẹo nhỏ sau đây để tăng tốc điện thoại dịp cuối năm.
">