Hơn 400 đại biểu là lãnh đạo Phòng Giáo dục và các trường nghề trên địa bàn TPHCM đến tham dự hội nghị (Ảnh: CTV).
Tại hội nghị, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, báo cáo sơ kết 1 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở GD&ĐT với Sở LĐ-TB&XH về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) thời gian qua.
Theo bà Trang, phân luồng học sinh sau THCS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hoạt động này góp phần cung ứng nguồn nhân lực có cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.
Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.
Để thực hiện mục tiêu trên, từ năm 2023, Sở GD&ĐT cùng với Sở LĐ-TB&XH đã ký kết thực hiện Chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và GDNN đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023-2025.
Hai đơn vị phối hợp tổ chức nhiều nội dung như hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học vào học GDNN; tổ chức đào tạo kiến thức văn hóa THPT tại các cơ sở GDNN…
Trong năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các trường Cao đẳng, Trung cấp giải đáp thắc mắc, tư vấn chọn ngành, chọn trường cho học sinh cuối cấp.
Các trường Cao đẳng, Trung cấp tổ chức các ngày Hội Open day cho học sinh THCS đến tham quan, giúp học sinh lựa chọn hướng đi thích hợp sau khi tốt nghiệp bậc trung học...
Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ GDNN bình quân hàng năm chỉ mới đạt hơn 26%.
Bà Như Trang cho biết: "Kết quả này đã dự báo nhiều thách thức lớn của 2 ngành trong việc thực hiện Đề án phân luồng học sinh; đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc, chung tay tích cực hơn của các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương các cấp".
Tại hội nghị, các đơn vị thuộc ngành GD&ĐT và GDNN trình bày những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng cho học sinh.
Khó khăn lớn nhất vẫn là nhận thức của phụ huynh và học sinh. Dù nhiều học sinh có năng lực học tập không tốt vẫn quyết định tiếp tục học văn hóa, vào đại học chứ không muốn theo học trường nghề.
Đặc thù tại TPHCM có đa dạng các cơ sở đào tạo đại học, thu nhập bình quân cao nên học sinh có nhiều lựa chọn để học tập cao hơn, thay vì đi học nghề.
Để đẩy mạnh hiệu quả phân luồng học sinh, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục mở rộng công tác phối hợp với các đơn vị giáo dục, đào tạo trên địa bàn TPHCM trong giai đoạn 2024-2030.
Tại hội nghị, Sở LĐ-TB&XH ký kết quy chế phối hợp với Sở GD&ĐT trong công tác quản lý nhà nước. Theo quy chế, 2 ngành đề ra 24 nội dung phối hợp thực hiện nhằm quản lý, điều phối tốt hơn hoạt động giáo dục, đào tạo nhằm thực hiện hiệu quả Đề án phân luồng học sinh.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH còn ký kết với Đại học Quốc gia TPHCM về thực hiện các nội dung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn thành phố.
">